Ngày 24/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.

Nghị quyết 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của địa phương trong cả nước về phát triển lâm nghiệp bền vững. Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, thể hiện sự chủ động cả về tư duy, ý chí và hành động của tỉnh Quảng Ninh trong việc hoạch định chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững; tạo sự thay đổi về nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên rừng, ngành lâm nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh.
Đến nay, đã có 8/10 mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025 đã đạt, các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, trồng rừng, khai thác lâm sản, duy trì tỷ lệ che phủ rừng, an sinh xã hội… đều ghi nhận được nhiều kết quả tích cực.
Điển hình như, triển khai tinh thần Nghị quyết, sau 3 năm, đã thay đổi cơ cấu sản xuất lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng thông qua trồng rừng sản xuất bằng các loại cây gỗ lớn, bản địa; giá trị sản xuất lâm sản tăng trưởng trung bình 11,29%/năm, gấp gần 2 lần so với mục tiêu Nghị quyết. Công tác an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh, tạo việc làm cho khoảng 60.000 lao động. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chiếm tỷ lệ lớn. Song song với đó, tỷ lệ che phủ rừng được giữ vững ở mức 55%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước 13%, đứng thứ 14/63 trong các tỉnh, thành có tỷ lệ che phủ rừng lớn…

Dựa trên báo cáo kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU, tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã dành thời gian để tập trung thảo luận, rà soát, phân tích và thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, đặc biệt là việc giải quyết tồn tại ở giai đoạn trước đây. Đồng thời, đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Nghị quyết.
Kết luận nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU – nghị quyết đầu tiên của tỉnh về phát triển rừng bền vững. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nghị quyết đã làm thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển và quản lý rừng; góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển xanh, phát triển theo kinh tế tuần hoàn, bền vững mà tỉnh đang thực hiện.
Đồng chí cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai Nghị quyết như: Một số cấp ủy tổ chức Đảng, một số cấp chính quyền, chủ thể liên quan vẫn còn hạn chế về nhận thức, trách nhiệm, tư duy, cách làm; chất lượng rừng tự nhiên còn thấp, chủ yếu là rừng trung bình, rừng nghèo. Bên cạnh đó, chưa thực sự coi trọng ứng dụng công nghệ trong phát triển bền vững, từ khâu hạt giống, chăm sóc bảo vệ rừng, chế biến gỗ và đặc biệt là công tác quản lý nhà nước và chống cháy rừng…

Trên cơ sở rà soát các chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết, bám sát Quy hoạch tỉnh, quy hoạch địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất điều chỉnh tỷ lệ che phủ rừng trong Nghị quyết 19-NQ/TU để phù hợp quy hoạch tỉnh trong giai đoạn mới. Đề nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND “Về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững” theo đúng mục tiêu, tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TU và các chủ trương mới, phát triển lâm nghiệp, kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Trong quá trình triển khai, cần tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra; bám sát các Nghị quyết mới của BCH Đảng bộ tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xác định quan điểm, mục tiêu trong thực hiện. Đặc biệt, cần chống suy giảm chất lượng rừng, diện tích rừng ngập mặn. Cần tăng diện tích chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng cảnh quan theo quy hoạch và lưu ý cần có vị trí, địa bàn cụ thể.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, phát triển và làm giàu rừng ở các vị trí ngành Than đã trồng, phủ xanh bãi thải mỏ, hoàn nguyên phục hồi môi trường; đặc biệt chống cháy rừng, xử lý nghiêm các chủ rừng để cháy rừng do nguyên nhân chủ quan hoặc cố ý hủy hoại rừng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đối với đất lâm nghiệp, đất lâm trường, ngập nước và các loại đất có rừng trong mục tiêu quản lý ở tất cả các địa bàn; gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra sai phạm nhất là trong chuyển nhượng, sang tên trái phép…
Siết chặt quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp, đất thủy sản có rừng để đảm bảo mục tiêu phát triển rừng hiệu quả, bền vững. Tập trung chỉ đạo, hoàn thành dứt điểm việc lập quy hoạch, xây dựng dữ liệu quản lý lâm nghiệp của tỉnh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; phân định ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa đến tận đơn vị hành chính cấp xã, từng chủ rừng, gắn với giao trách nhiệm cụ thể…

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã nghe báo cáo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về Đề nghị ban hành Nghị quyết xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các KCN, KKT, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2040.
Trên cơ sở nội dung tờ trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh làm rõ các cơ hội, thách thức; đặc biệt là đánh giá hệ số hoàn thiện về hạ tầng, diện tích mặt bằng sạch, chính sách thu hút đầu tư, đánh giá hiệu quả các dự án đã và đang triển khai.
Đồng thời, cần quan tâm, bám sát các quy hoạch, chủ trương phát triển KKT để định vị lại những tiềm năng, lợi thế riêng có. Từ đó, định hướng rõ nét, cụ thể, bền vững để có kế hoạch, biện pháp huy động nguồn lực hiệu quả cho từng KKT. Nghị quyết cần đi sâu vào các cơ chế, chủ yếu về quản lý Nhà nước, giám sát, kiểm tra và gắn trách nhiệm theo hướng thực chất, rõ vai trò hơn.
Theo: Báo Quảng Ninh