Trong 2 ngày 5 và 6/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương triển khai hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII). Trung tâm Truyền thông tỉnh ghi lại một số ý kiến của cán bộ, đảng viên tham dự hội nghị quán triệt.
Giám đốc Sở TT&TT Lê Ngọc Hân: “Với sự đi trước, đón đầu cũng như chuẩn bị từ xa, từ sớm, Quảng Ninh sẽ hiện thực hóa, triển khai thành công các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII)”
Hai ngày được quán triệt, học tập và nghiên cứu các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), đặc biệt là được quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tôi vô cùng tâm đắc, bởi đây là Nghị quyết rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Trong Nghị quyết này, lần đầu tiên các khái niệm về công nghệ số, công nghiệp số đã được đề cập sâu sắc. 1 trong 5 quan điểm phát triển được xác định trong Nghị quyết đề cập đến công nghệ số là phương thức rút ngắn quá trình để tiến hành thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, Nghị quyết cũng đề cập đến cụm khái niệm về chuyển đổi số toàn diện. Trong đó, yêu cầu thực hiện chuyển đổi số toàn diện để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại tỉnh Quảng Ninh, ngay từ đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án về chuyển đổi số toàn diện. Đây là tiền đề, căn cứ quan trọng để Quảng Ninh thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tôi tin rằng với sự đi trước, đón đầu cũng như chuẩn bị từ xa, từ sớm, tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn có cơ sở hiện thực hóa, triển khai thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW trên cơ sở nền tảng được xây dựng trước đó.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn: “Giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục hạn chế trong phát triển ngành Nông nghiệp”
Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đưa ra mục tiêu đúng, trúng, đi kèm với những giải pháp rất trọng tâm, bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong phát triển ngành Nông nghiệp thời gian qua.
Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết, nông nghiệp của Quảng Ninh có rất nhiều thuận lợi khi tỉnh đã dành quan tâm lớn cho ngành thông qua Chương trình xây dựng NTM gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) “Về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết và đích đến là nông thôn văn minh, nông dân giàu có, ngành Nông nghiệp phải tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản; đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng, hướng đến đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khắt khe trên thế giới như Nhật Bản và các nước châu Âu; ưu tiên bố trí nguồn lực và có cơ chế, chính sách đặc thù để xã hội hóa, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025.
Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP Móng Cái Vũ Văn Hoan: “Tăng cường kết nối vùng miền, tạo động lực phát triển”
Tại hội nghị, chuyên đề: “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, với nội dung nguyên tắc, quan điểm đưa ra về hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây, các vành đai kinh tế ven biển kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng… có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, đối với TP Móng Cái, quan điểm này là căn cứ để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ địa phương trong những năm tiếp theo.
Thực tế, tại Móng Cái, hạ tầng kết nối trên địa bàn từng bước được đầu tư đồng bộ, nổi bật là tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái vừa đưa vào sử dụng. Thành phố tập trung công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa các bước giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp… Đây là nền tảng quan trọng để thành phố thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), có thể kết nối các vành đai kinh tế ven biển, cửa khẩu quốc tế để triển khai hiệu quả các chính sách, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh trên địa bàn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô) Bùi Văn Hường: “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững”
Học tập chuyên đề: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tôi thấy đây là nội dung quan trọng cần sớm triển khai, đưa vào thực tiễn, với các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt. Trong đó, cần thiết phải tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế – xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và vùng về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số, các công trình hạ tầng y tế, giáo dục. Đặc biệt, dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Các công trình được đầu tư, cần thống nhất cơ chế quản lý, khai thác hiệu quả, tách biệt rõ vai trò quản lý nhà nước với quản lý, khai thác của các đơn vị được giao; nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công – quản trị tư, đầu tư tư – sử dụng công. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện mô hình KKT, KCN sinh thái ven biển gắn với hình thành, phát triển đô thị và phát triển các trung tâm kinh tế biển; khuyến khích phát triển mô hình KCN – đô thị – dịch vụ, nhất là tại các đô thị, vùng đô thị có mật độ dân số cao; tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiệm cận với tiêu chí đô thị sinh thái.
Ông Phùn Quay Nàm, Chi bộ bản Mố Kiệc (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà): “Phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế – xã hội”
Qua nghiên cứu tài liệu tại hội nghị, tôi rất tâm đắc với định hướng sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên sẵn có. Định hướng đã nêu bật sự cần thiết trong phát triển nguồn tài nguyên đất, nước, rừng, các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học và chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt định hướng phát triển này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc của huyện Hải Hà thời gian tới. Cùng với đó, tạo tiền đề vững chắc giúp tỉnh định hướng phát triển hiệu quả tài nguyên sẵn có nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Qua đây, tôi càng hiểu sâu sắc về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả, tiến tới thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 5 (phường Hà An, TX Quảng Yên) Nguyễn Thị Loan: “Tạo sự đoàn kết, thống nhất, sớm đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống”
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã đề ra nhiệm vụ cụ thể, then chốt, bám sát tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội đất nước, đời sống của nhân dân trong tình hình mới. Một số chuyên đề nổi bật “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”…, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tôi tin tưởng sẽ tạo được sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong cụ thể hóa Nghị quyết vào cuộc sống. Bám sát vào các chương trình hành động của tỉnh và địa phương, Chi bộ khu 5 tiếp tục quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, họp khu để mọi người nắm bắt và sớm triển khai đồng bộ Nghị quyết. Đồng thời, tập trung lãnh đạo khu phố tiếp tục xây dựng đô thị văn minh; nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Theo: Báo Quảng Ninh